Vào giai đoạn trầm trọng nhất trong thời kỳ Đại suy thoái, hơn một phần tư công nhân Mỹ không thể tìm được việc làm, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ không đáp ứng được lượng cung. Nhiều người theo Chủ nghĩa Marx được dịp ăn mừng về việc “tư bản gặp khủng hoảng thừa” như Karl Marx từng nhận định. Tuy nhiên, lao động Mỹ ngày nay có thể sản xuất nhiều gấp 17 lần nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức dưới 5% và kinh tế vẫn tiếp đà phát triển. Các Marxist vẫn không thể lý giải được vì lý do gì mà sau thập niên 1930 sản phẩm của tư bản “không bị thừa như trước”, hay nói cách khác cung và cầu luôn đáp ứng hoàn hảo cho nhau.
Dù vậy, điều này lại không quá bất ngờ với những ai theo đuổi trường phái Kinh tế học cổ điển (thứ mà Marx gọi là Kinh tế chính trị tầm thường), đặc biệt là những ai đã biết về Định luật Say, một định luật nói rằng ‘cung’ sẽ tự sinh ra ‘cầu’ cho chính nó. Trên thị trường, lượng cung càng lớn thì lượng cầu càng nhiều.
Định luật Say là gì?
Định luật Say là một định luật về thị trường cung – cầu được đặt theo tên của Jean-Baptiste Say (1767-1832), một doanh nhân và cũng là nhà kinh tế học người Pháp. Theo ông, mọi cá nhân sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào trong quá trình hoạt động, trừ phi họ có ý định đánh đổi một thứ gì khác có giá trị tương đương. Vì vậy khi cung tăng cao thì cầu cũng sẽ tăng lên theo một lượng tương ứng. Hành động sản xuất của bạn sẽ tạo “đầu ra” cho những sản phẩm, dịch vụ khác (nếu bạn gia tăng sản xuất lên 17 lần sẽ giúp tạo 17 lần “đầu ra” cho những nơi khác).
Chẳng hạn, khi sản xuất hàng hóa A, bạn sẽ phải thuê nhân công, nghĩa là bạn đang tăng cầu về lao động; ngoài ra, bạn còn phải thuê công xưởng, vay vốn, mua linh kiện (từ các nhà sản xuất khác), hay thậm chí đơn giản là việc để tiền của bạn (từ lợi nhuận) vào ngân hàng,… cũng đều tạo thêm nhu cầu cho nền kinh tế. Sản xuất càng nhiều thì tạo ra nhu cầu càng nhiều, đó chính là Định luật Say.
Để phát triển nền kinh tế, nhiều người thường nghĩ rằng phải có thật nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng không, một nền kinh tế lớn là nền kinh tế của những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, người làm chủ nền kinh tế Hoa Kỳ là hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) chứ không phải những ông lớn như Cargill, Google, Apple, hay Microsoft. Bạn sẽ có được một nền kinh tế năng động chỉ với vài doanh nghiệp lớn và bao quanh là hàng loạt “vệ tinh” cung ứng được sinh ra sau đó.
Tại Việt Nam, rất tiếc mô hình doanh nghiệp nhà nước đã kìm kẹp sự phát triển của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay nói cách khác là cơ chế độc quyền đã khiến họ không thể ngóc đầu lên được, trừ những tay tư bản thân hữu.
Có phải Định luật Say sẽ khiến hàng hóa dư thừa?
Thực tế, những người chủ doanh nghiệp có thể tính toán sai sót khi kinh doanh, dẫn đến sản xuất vượt quá chỉ tiêu đề ra. Những người theo trường phái Kinh tế học cổ điển, cũng như Jean-Baptiste Say, thừa biết điều đó.
Bạn có thể sản xuất quá nhiều sản phẩm, nhưng nên nhớ nhu cầu của nền kinh tế thì chưa bao giờ là đủ. Tới đây, hãy tự hỏi tại sao bạn lại có thể sản xuất nhiều đến nỗi dư thừa? Vì phần lớn nguồn lực từ các nơi đã tập trung vào sản xuất của bạn. Khi nguồn lực chỉ tập trung cung ứng cho riêng bạn thì nó sẽ không thể cung ứng cho những người khác, nghĩa là trong khi bạn đang “dư thừa” thì người khác lại đang “thiếu thốn”. Vì thế, trong tình cảnh này, lượng cung dư thừa của bạn sẽ là lượng cầu ở nơi khác. Giải pháp lúc này rất đơn giản, thay vì giảm cường độ sản xuất, bạn chỉ cần chuyển lượng “dư thừa” của mình sang cho những nơi đang “thiếu thốn” nó.
Nhu cầu trong nền kinh tế chưa bao giờ là đủ, vì thế người ta mới thường nói “có cung ắt có cầu”, chứ không ai nói “có cầu ắt có cung”.
Sự thất bại của thị trường?
Tôi biết sẽ có người muốn chỉ ra “sai sót” trong Định luật Say, thôi thì để tôi nói luôn.
Giả sử bạn sản xuất quá nhiều nhưng người tiêu dùng không chịu chi tiêu, đơn giản vì họ đang dành dụm, tiết kiệm, hay giữ đó làm “của” sau này. Lúc này, hãy thử hỏi người tiêu dùng sẽ gửi số tiền đó vào đâu? Chắc chắn là ngân hàng. Khi lượng cung về tiền (do người tiêu dùng gửi vào ngân hàng) tăng lên cũng sẽ kéo theo lượng cầu về tiền. Định luật Say lại đúng lần nữa, khi việc đó sẽ giúp hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính trở nên sôi nổi, tạo ra nhiều việc làm khác, và tạo ra thêm đủ mọi nhu cầu khác nhau. Chưa kể, người tiêu dùng chắc chắn sẽ dùng số tiền dành dụm được để chi tiêu trong tương lai. Họ không thể giữ tiền mãi trong người vì họ sẽ nhận ra các tác động từ lạm phát.
Đó cũng là lời giải cho các thời kỳ suy thoái kinh tế, hay thậm chí cuộc Đại suy thoái. Những người cánh tả thường nói về sự thất bại của thị trường (market failure) để vịn cớ cho sự tác động của chính phủ, nhưng lại bất lực trong việc giải thích tại sao thị trường có thể phục hồi nhanh một cách thần kỳ sau đó.
Bởi về dài hạn, Định luật Say đã chứng minh rằng nó luôn đúng.